TRƯỜNG ĐOẠN III: CUỘC ĐỐI ĐẦU LỊCH SỬ

“Câu chuyện về khối bộc phá 1.000kg trên đồi A1”:

Vào đợt 2 của chiến dịch, các đơn vị của đại đoàn 316, đại đoàn 312 có nhiệm vụ tiêu diệt các cứ điểm A1, C1, D1 và E trên dãy cao điểm phía Đông bên tả ngạn sông Nậm Rốm, trong đêm 30/3/4954. Các đơn vị đều đã hoàn thành nhiệm vụ, tiêu diệt các cứ điểm D1, E và C1.

Riêng đồi A1 trận đánh diễn ra rất ác liệt. Địch liên tục phản kích, nên ta mới chỉ chiếm được phần đồi phía dưới, Trung đoàn 174 bị thương vong nhiều do pháo cối của địch khi tấn công đã lên lô cốt cuối cùng.

Dù đã huy động nhiều đơn vị để tiến công nhưng đồi A1 vẫn trở thành vấn đề nhức nhối của các đơn vị tiến công và cả Bộ Tư lệnh chiến dịch.

Trong lúc đó, Trung đoàn trưởng 174 Nguyễn Hứa An đề nghị Bộ Tư Lệnh chiến dịch cho đào một đường hầm đến dưới hầm ngầm của địch và dùng khối bộc phá thật lớn cho nổ tung hầm ngầm mới tiêu diệt được địch ở A1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chuẩn y và giao cho công binh đảm nhiệm công việc khó khăn này, 1 đội công binh đặc biệt gồm những chiến sĩ khoẻ mạnh dũng cảm gồm 25 người do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung cán bộ công binh trực tiếp chỉ huy.

Đúng 20h30' ngày 6/5/1954 lệnh tấn công đợt cuối cùng vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Hiệu lệnh nổ súng cho toàn mặt trận là tiếng nổ của khối bộc phá ngàn cân ở A1. Mọi người được lệnh quay lưng về phía đồi A1, bịt tai, há mồm vì tiếng nổ rất lớn. Nhưng thực tế không có tiếng nổ lớn như thế, chỉ nghe tiếng ục, không rền trời nhưng đất rung chuyển. Có lẽ khối nổ ở sâu trong lòng đất kiểu bom nổ chậm. Tuy vậy sức công phá rất dữ dội, thổi bay lô cốt phía trên và phần lớn đại đội dù số 2 của địch. Khối nổ còn cách hầm ngầm của địch vài chục mét . Dù không phá được hầm ngầm nhưng chấn động làm cho quân địch ngất xỉu, tạo điều kiện cho ta xung phong tiêu diệt và bắt sống quân địch trên đồi A1. Chứng tích của khối thuốc nổ 1 tấn trên đồi A1 là di tích chiến tranh còn mãi với thời gian. Nó chứng minh một chiến công của các chiến sĩ công binh thầm lặng chui sâu vào lòng đất, thể hiện ý chí quyết tâm khắc phục mọi khó khăn gian khổ, lòng dũng cảm sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, cùng với sự lao động bền bỉ, quên mình để hoàn thành nhiệm vụ.

“Vòng vây lửa” xiết chặt trận địa Điện Biên Phủ:

Để tiếp cận và phá vỡ vòng vây Pháp, công việc đầu tiên của quân Việt Minh là kiến trúc hệ thống công sự. Nhiệm vụ lúc đầu chỉ tiến hành ban đêm, làm tới đâu ngụy trang tới đó. Trời vừa tối, từ nơi trú quân, bộ đội tiến ra cánh đồng, trong tay cầm cuốc và xẻng, cật lực đào trận địa. Có hai loại đường hào, đều sâu khoảng 1,7 m: hào trục dành cho cơ động pháo, vận chuyển thương binh, điều động lực lượng lớn - rộng 1,2 m; và hào bộ binh để tiếp cận đối phương - rộng 0,5 m.

Khi đường hào kéo dài hàng chục km ra cánh đồng, quân Việt Minh không cách nào che mắt đối phương. Pháp điên cuồng dùng pháo binh và không quân bắn phá suốt ngày đêm, đồng thời đưa quân ra trận địa ở gần để san lấp và gài mìn ngăn chặn bộ đội đào tiếp. Hai bên bắt đầu giằng co từng mét hào, mỗi tấc đất đều được trả bằng máu.

Để chiến đấu với binh lực mạnh của Pháp trong đợt tấn công lần 2, nhiệm vụ quan trọng trước mắt là phát triển trận địa bao vây, tấn công. Lần này, quy mô hệ thống đường hào được mở rộng hơn. Đường hào trục bao quanh toàn bộ trận địa của Pháp ở phân khu Trung tâm. Đường hào bộ binh chạy từ vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng đổ ra cánh đồng, cắt ngang hào trục, tiến vào những mục tiêu ta định tiêu diệt. Hệ thống giao thông hào tiến công và bao vây của Việt Minh nhích dần, luồn qua dây thép gai, tạo thành những "vòng vây lửa", từng bước siết chặt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sau đợt tấn công lần 3, trận địa chiến hào của bộ đội ta chính thức vây chặt “con nhím’ Điện Biên Phủ, góp phần lớn vào chiến thắng lịch sử của toàn quốc toàn dân.

Speaker