Tướng Navarre từng nhận định: “Lực lượng của tướng Giáp sẽ không thể có được chuyển tiếp viện vũ khí, đạn dược và lương thực. Phải mang hàng ngàn tấn hàng, xuyên hàng trăm km rừng rậm để tiếp viện cho một lực lượng chiến đấu khoảng 50.000 người là một thử thách không thể vượt qua”. Tuy vậy, chúng ta đã đập tan đi sự không thể ấy bằng sức mạnh của tinh thần đoàn kết của cả một dân tộc với ý chí “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.
345, 5 kilogram hàng hóa là kỉ lục một chiếc xe thồ chở được. Hơn 20 000 chiếc xe đạp đã được sử dụng để thồ lương thực và trở thành một loại vũ khí đặc biệt của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc bấy giờ, không một người Pháp nào có thể ngờ được một chiếc xe đạp do chính họ sản xuất khi được gia cố là từ vành, xăng, lốp, nan hoa tới tay cầm đã trở thành loại phương tiện có sức chở ghê gớm đến vậy. Những phong trào thi đua như “Thồ nhiều, đi nhanh” được phổ biến lan rộng, cổ vũ dân công tăng trọng lượng thồ hàng. Ban đầu mỗi xe chỉ chở 100-200 kg một chuyến, về sau tăng lên 300 kg và nhiều hơn nữa. Nhờ đội quân đặc biệt này, chỉ trong một thời gian ngắn, 20.125 tấn, trong đó gạo là 14.950 tấn, vũ khí đạn và dầu 3.000 tấn, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 565 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác đã được đưa ra chiến trường, góp phần lớn vào sự thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau ngày Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với các đại đoàn bộ binh, Đại đoàn công pháo 351 đã nhanh chóng hành quân lên Tây Bắc và náo nức làm công tác chuẩn bị cho chiến dịch.
Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp, lực lượng pháo binh của ta được huy động với mức cao nhất, gồm Trung đoàn 45 lựu pháo 105 ly, Trung đoàn 675 sơn pháo 75 ly (thuộc Đại đoàn công pháo 351) và các tiểu đoàn pháo trong biên chế của các đại đoàn, trung đoàn chủ lực tham gia chiến dịch. Lúc đầu, để thực hiện phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh", lực lượng pháo binh được lệnh nhanh chóng hành quân chiếm lĩnh trận địa. Nhằm giữ yếu tố bí mật, bất ngờ và bảo đảm an toàn, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định thành lập Bộ Chỉ huy kéo pháo do Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 chỉ huy và dùng sức người kéo pháo vào trận địa. Để kéo một khẩu pháo 105 ly nặng gần hai tấn, vượt qua núi cao, vực sâu (có những đoạn đường có độ dốc 40° - 50°) phải dùng cả trăm người kết hợp với tời quay mới có thể đưa pháo nhích lên từng mét.
Khó khăn là vậy, nhưng khi một số đơn vị đã vào tới trận địa thì được lệnh kéo pháo ra, bố trí sắp xếp lại trận địa, thực hiện theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Kéo pháo vào đã khó, kéo pháo ra lại càng khó hơn gấp bội. Thế nhưng, nhờ kịp thời làm tốt tư tưởng cho bộ đội và coi đây là nhiệm vụ chiến đấu, nên toàn bộ số pháo được kéo ra đúng quy định, bảo đảm an toàn.
Trên đường kéo pháo vào, kéo pháo ra, đã có nhiều tấm gương dũng cảm của các cán bộ, chiến sĩ pháo binh, dân công hỏa tuyến. Có lẽ, vị anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện với sự hy sinh cứu pháo đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. Trong quá trình kéo pháo về địa điểm tập kết cho phương án “Đánh chắc thắng chắc” thì khẩu pháo cuối cùng do anh Tô Vĩnh Diện phụ trách gặp bất trắc. Khẩu pháo đang xuống dốc thì một chùm pháo của địch bất ngờ bắn tới khiến nhiều đồng chí bị thương. Anh Tô Vĩnh Diện vội lao lên túm chặt lấy càng pháo to hơn cái bắp cày, nặng hàng trăm kg thay cho các khẩu đội bị thương. Pháo di chuyển đến lưng chừng dốc, một chùm đại bác của giặc lại bắn tới, khiến một trong hai dây tời kéo pháo bị đứt, khẩu pháo nặng 2,4 tấn quay ngang, quay dọc, có nguy cơ lao xuống vực sâu. Với trách nhiệm của Khẩu đội trưởng, anh Tô Vĩnh Diện cùng các chiến sĩ vật lộn với khẩu pháo, bàn chân anh đạp mạnh vào vách núi, hai tay ghì chặt, cố hết sức đẩy càng pháo vào taluy dương để pháo không bị lăn xuống vực. Tuy nhiên, khẩu pháo đang ầm ầm lao xuống dốc. Phía trước lúc này chỉ có một mình Diện. Anh cắn môi, lấy hết sức đẩy càng pháo vào vách núi. Khẩu pháo đứng sững lại tưởng như đã chịu thua sức lực và trí tuệ của con người. Nhưng rồi nó lại quật mạnh càng hất tung hai chiến sĩ bám bên cạnh xuống vực và hùng hổ lao xuống. Chỉ còn một quãng ngắn là tới chỗ đường vòng, cái vực sâu đen ngòm đã hiện ra. Giữa lúc đó, một chiến sĩ lao kịp tới ngang thân pháo, nhưng lại bị bật văng ra xa.
Khẩu pháo nhảy qua mô đất, hất càng lại và nhấc bổng Diện như muốn hất tung anh lên sườn dốc. Diện vội ghì chặt hai tay không chịu rời pháo, người anh một lần nữa bị quật mạnh... Trong giờ phút nguy nan ấy, anh buông tay lái, đạp mạnh hai chân, cả thân mình Diện bật như thỏi cao su lao vào trước vành bánh pháo. Khẩu pháo chồm lên rồi cuốn anh vào gầm, chiếc đế kích đằng trước đè xuống chiếc mũ sắt anh đang đội. Pháo dừng hẳn, mọi người chạy đến chèn cứng bánh, chặt gốc cây, kéo pháo lùi lại đưa Tô Vĩnh Diện ra ngoài. Trong lúc thoi thóp, vẫn còn hỏi đồng đội: “Pháo có sao không?”, rồi hy sinh. Trong đêm vắng lặng của mùa Đông năm ấy, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 394 cùng mặc niệm trước mộ người đồng đội anh hùng, không có một nén hương, chỉ có gió rừng ào ạt và hạt mưa, hạt sương đêm như giọt lệ, nhỏ xuống nấm mồ anh. Sự hy sinh anh dũng của anh càng làm nổi dậy ý chí quyết tâm đánh thắng giặc của bộ đội cao xạ.
Đào bếp, nấu cơm ngay sát trận địa, những anh nuôi trong chiến dịch Điện Biên Phủ không quản mưa bom bão đạn, để anh em chiến sĩ có cơm ăn, nước uống kịp thời.
Không khói, không lộ ánh sáng, đưa các "anh nuôi" theo sát bước chân chiến sỹ. Nhờ đó, có khi cách địch chỉ 50m, vẫn được ăn nóng, uống nóng. Nấu được cơm đã vất vả, vượt lửa đạn đưa tới từng chiến hào còn gian khổ gấp bội.
"Anh nuôi chiến trường đâu chỉ có nấu cơm.
Mà còn sống và chết bên chiến hào lửa đạn.
Mùi khói súng hòa trong từng ngụm nước.
Lên tới đỉnh đồi, dũng sĩ chính anh nuôi!"
Đặc biệt, trong giai đoạn chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, dân công, công binh tham gia mở đường, sửa đường, vận chuyển lương thực phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ đã dùng bếp Hoàng Cầm đun nấu cơm nước hằng ngày mà không phải lo sợ máy bay địch phát hiện ra khói. Bếp Hoàng Cầm đã phát huy được hiệu quả cao, đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, tránh được sự phát hiện của máy bay địch, hạn chế được thương vong cho quân ta. Dưới sự bắn phá ác liệt bằng máy bay, đại bác của địch, các bếp Hoàng Cầm ở tuyến trước, tuyến sau của bộ đội, dân công vẫn hoạt động đều đặn. Bếp Hoàng Cầm góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của Chiến dịch Điện Biên Phủ.